Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần xem xét, sửa đổi Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế để phát triển ngành dịch vụ vui chơi có thưởng, qua đó tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước và hạn chế nạn cờ bạc bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)
Vì sao ông cho rằng, cần sớm sửa đổi Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế?
Tôi là sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn VABIS Group, đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng tổ chức đua chó và đua ngựa – môn thể thao giải trí phổ biến và được ưa chuộng tại rất nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, VABIS Group đã được Chính phủ cho phép thí điểm tổ chức đua chó và đua ngựa gần 30 năm trước, với các dự án rất lớn, nhưng sau khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP ra đời thì các hoạt động này buộc phải dừng lại cho đến tận bây giờ.
Ngay từ năm 1932, người Pháp đã cho xây dựng Trường đua Phú Thọ (ở Sài Gòn) – là trường đua ngựa có thể nói là lớn nhất châu Á trong một thời gian dài. Năm 1989, được sự đồng ý của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi tái khởi động Trường đua Phú Thọ dưới tên gọi Câu lạc bộ Thể thao Phú Thọ. Năm 2004, Trường đua Phú Thọ được đầu tư, nâng cấp sánh ngang với các trường đua ngựa tầm trung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Trường đua Phú Thọ tổ chức đua ngựa với hàng ngàn khách đến xem, bình quân mỗi năm đóng góp vào ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và vài ngàn lao động gián tiếp. Nhưng đến tháng 6/2011, Trường đua Phú Thọ đóng cửa do không còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM, nên đã phải liên doanh với đối tác khác để thành lập Trường đua ngựa Madagui (Lâm Đồng). Dự án Trường đua ngựa Madagui đang triển khai thuận lợi thì Nghị định 06/2017/NĐ-CP ra đời với quy định, ngoài các điều kiện theo pháp luật về đầu tư, dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược phải đáp ứng điều kiện là địa điểm đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cuối năm 2023, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng mới được phê duyệt, thì Dự án lại phải làm lại hồ sơ từ đầu, đi qua 6 bộ, ngành thẩm tra, cho ý kiến, nên vẫn đang trong giai đoạn chờ.
Còn hoạt động đua chó thì sao, thưa ông?
VABIS Group cũng được cấp phép đầu tư Trường đua chó tại Vũng Tàu vào những năm cuối thế kỷ trước, sau khi nhiều đoàn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đi nước ngoài khảo sát, tận mắt chứng kiến hoạt động thể thao này mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội như tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu hút khách du lịch và đặc biệt là góp phần làm giảm tệ nạn cờ bạc bất hợp pháp.
Nhưng sau khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP ra đời thì “số phận” Trường đua chó ở Vũng Tàu cũng như Trường đua ngựa Madagui là phải có trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trường đua chó Vũng Tàu đã phải đóng cửa vào tháng 3/2023 do hết hạn giấy phép đầu tư, trong khi quá trình xin gia hạn giấy phép đầu tư thì bị ách tắc bởi không nằm trong quy hoạch của tỉnh.
Chúng tôi cũng được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Trường đua chó tại Xuân Thành, sau rất nhiều vướng mắc, đến đầu năm 2017, khi dự án sắp hoàn thành, đi vào hoạt động thì gặp phải Nghị định 06/2017/NĐ-CP và buộc phải dừng lại chờ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, nên cho đến tận thời điểm này vẫn đang chờ các bộ, ngành cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ông có nghĩ đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm nên cần hết sức thận trọng?
Nếu cho đây là lĩnh vực đặt cược, thì tại sao Đảng và Nhà nước đã cho phép thí điểm tổ chức đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế từ hơn 20 năm trước. Sau đó cho thí điểm các loại hình đặt cược, vui chơi có thưởng khác, trong đó có cả casino? Nếu cho là lĩnh vực nhạy cảm thì tại sao Luật Thể dục, thể thao có cả một điều quy định cụ thể về việc này.
Đây không phải là hoạt động cấm kinh doanh, mà là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao. Hoạt động kinh doanh đặt cược thể thao phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Có thể nói, ông là người tiên phong ở Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này. Từ kinh nghiệm thực tế, theo ông vì sao hoạt động này chưa phát triển mạnh tại Việt Nam?
Doanh thu đặt cược thể thao các loại trên thế giới đạt bình quân 180 tỷ USD/năm, trong đó, Nhật Bản 23 tỷ USD, Australia 19 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) 18 tỷ USD…
Ở Việt Nam do hoạt động này ngưng trệ từ khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP ra đời, nên ngân sách nhà nước không thu được thuế, mà bị “chảy máu ngoại tệ” ra nước ngoài, do người ta tham gia cá cược bóng đá trực tuyến trái phép trên Internet thông qua các nhà cái nước ngoài, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội do không thể quản lý được.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm tại Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều lần đua chó, đua ngựa, cho phép người chơi tham gia đặt cược và chưa từng để xảy ra tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện, gây mất trật tự công cộng, mặc dù mỗi lần tổ chức có từ 2.500 đến 4.000 người tham gia, vào ngày lễ, ngày tết số người tham gia có khi lên đến 6.000 đến 8.000 người. Nguyên nhân hoạt động này chưa phát triển chính là do Nghị định 06/2017/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn.