2 giải cầu lông quốc tế tổ chức tại Việt Nam cuối năm 2024 đã chứng kiến hàng loạt bất ngờ. Nhiều vận động viên (VĐV) nước ngoài chưa từng xuất hiện trên bản đồ cầu lông thế giới, hoặc trở lại du đấu sau nhiều năm gián đoạn đã có thành tích rất tốt. Họ cho thấy khoảng cách giữa Việt Nam với các cường quốc cầu lông vẫn còn rất xa.
Thứ hạng chỉ mang tính tham khảo
Bảng xếp hạng cầu lông thế giới là một trong những tiêu chí phân loại trình độ, đẳng cấp VĐV. Thứ bậc của các VĐV trên bảng xếp hạng được Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) cập nhật hàng tuần. Tuy nhiên, với phần lớn VĐV tham dự các giải như Vietnam International, trình độ của họ lại không được phản ánh qua thứ hạng quốc tế.
Furukawa, tay vợt Nhật Bản 29 tuổi đánh bại đối thủ có 2 lần dự Olympic ở Vietnam International II.
2 chị em sinh đôi người Hàn Quốc Kim Min Ji và Kim Min Sun là ví dụ rõ nhất chứng minh luận điểm trên. Min Sun đến Việt Nam khi vừa đánh bại Nguyễn Thùy Linh, trong bối cảnh cô chỉ xếp hạng 400 thế giới. Trong khi đó, Min Ji hoàn toàn không có thứ hạng quốc tế khi chốt danh sách VĐV tham dự 2 giải Vietnam International.
“Hai chị em Kim Min Ji và Kim Min Sun là VĐV trẻ, mới từ đội tuyển trẻ lên đội lớn Hàn Quốc. Họ chưa tham dự nhiều giải đấu quốc tế nên không có điểm tích lũy. Việc họ có thứ hạng thấp, hoặc không xếp hạng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các bạn đừng vì điều đó mà đánh giá họ là VĐV có chuyên môn không tốt”, HLV đội tuyển Hàn Quốc cho biết.
Bật mí thêm cùng phóng viên, HLV đội tuyển Hàn Quốc dẫn dắt 3 tay vợt xứ sở kim chi tham dự 2 giải Vietnam International cho biết, chị em sinh đội họ Kim đang nằm trong top 5 đơn nữ quốc nội. Thực lực của họ chỉ thua 3 tay vợt An Se Young, Kim Ga Eun và Sim Yu Jin, là những người đang nằm trong top 30 thế giới.
Trình độ của chị em sinh đôi người Hàn Quốc sớm được họ thể hiện qua 2 giải đấu ở Việt Nam. Trận chung kết Vietnam International I ở Bắc Giang là cuộc đấu nội bộ giữa hai chị em. Kim Min Ji sau đó tiếp tục lọt vào trận chung kết Vietnam International II.
Kim Min Ji vào chung kết 2 giải đấu ở Việt Nam dù không có thứ hạng quốc tế.
Bên cạnh 2 chị em sinh đôi Hàn Quốc Kim Min Ji và Kim Min Sun, cầu lông Nhật Bản cũng có một tay vợt vô danh tham dự nhưng tiến rất sâu là Kana Furukawa. Furukawa, một người đã 29 tuổi và coi Việt Nam như điểm đến cuối sự nghiệp trước khi nghỉ thi đấu, đã đánh bại hàng loạt VĐV mạnh ở giải đấu tổ chức tại Ninh Bình.
Trên hành trình bước vào trận chung kết Vietnam International II, Furukawa đã thắng cả Thet Htar Thuzar. Tay vợt Myanmar có 2 lần tham dự Olympic và cô cũng được xếp hạt giống số 1 tại giải khi nằm trong top 50 thế giới. Nhưng bước vào một trận đấu thực thụ, Thet Htar lại nhận thất bại toàn diện trước Furukawa.
Ngược lại, một số tay vợt Việt Nam như Trần Lê Mạnh An cũng đánh bại Edward Lau, đương kim vô địch châu Đại Dương. Đây là minh chứng cho thấy cầu lông quốc tế còn có khá ít thông tin về Việt Nam. Nhưng điều ngược lại mới là điều thực sự ngăn cản cầu lông Việt Nam phát triển: Chúng ta còn biết quá ít về cầu lông thế giới.
Vì sao nhân tài lại vô danh?
Làm thế nào để đánh giá đúng trình độ những VĐV như Furukawa, hay chị em Kim Min Ji, Kim Min Sun? Cách duy nhất ta có thể làm là sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu tối đa thông tin về họ. Một trong những tiêu chí tham khảo trình độ các VĐV ngoài top 20 thế giới là thành tích họ thể hiện tại các giải đấu trong nước.
Khi Edward Lau nhận thất bại trước Trần Lê Mạnh An ở vòng 1 Vietnam International II, anh tự hỏi đối thủ của mình là ai mà xuất sắc đến vậy. Tay vợt New Zealand sau đó tìm hiểu qua một phóng viên, và biết Mạnh An là một trong 4 tay vợt đơn nam tốt nhất Việt Nam hiện có. Ở giải quốc gia gần nhất, anh chỉ thua Tiến Minh trong 3 set.
Liu Hai Chao từng xếp hạng 80 thế giới, nhưng hiện không có thứ hạng quốc tế vì chỉ thi đấu trong nước.
Vào đầu năm 2024, Mạnh An cũng đăng ký tham dự một giải cầu lông quốc tế tại châu Âu. Tuy nhiên, thành tích của anh khi đó không tốt. Việc hoàn toàn “vô danh” với các đối thủ quốc tế giúp Mạnh An có thể vượt qua Edward Lau, qua đó hướng đến một giải đấu thành công.
Tuy nhiên, những hiện tượng như Mạnh An chỉ xuất hiện trong một vài thời điểm nhất định. Theo thời gian, những gì cầu lông Việt Nam biết về thế giới vẫn rất ít, thậm chí ít hơn nhiều so với việc họ hiểu rõ Việt Nam ra sao. Đây cũng là lý do khiến các VĐV Việt Nam thường thua đối thủ vô danh ở cấp độ quốc tế.
Với nhiều VĐV nước ngoài, họ xem các giải cầu lông quốc tế ở Việt Nam như bàn đạp tiến ra thế giới trong tương lai. 5 năm trước, An Se Young đến Hà Nội dự giải Vietnam Challenge và lọt vào chung kết. Khán giả Việt Nam ấn tượng trước một cô bé vô danh người Hàn Quốc thi đấu hết mình, đồng thời sở hữu kỹ thuật tốt.
Giờ đây, An Se Young đã là tay vợt nữ số 1 thế giới, đương kim vô địch Olympic Paris. Theo chân “nữ hoàng” là hàng loạt VĐV xuất sắc khác. Những cường quốc cầu lông như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc không thiếu VĐV giỏi. Họ chỉ cử những người thực sự xuất sắc và giàu tiềm năng tham dự các giải quốc tế lớn.
Những VĐV còn lại, như Furukawa, cũng sở hữu tài năng đáng nể chứ không hề kém cỏi. Họ hài lòng với các giải trong nước. Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, VĐV thuộc các CLB thể thao hưởng lương như nhân viên doanh nghiệp. Họ được đảm bảo về công việc và chuyện học hành, nên không phải lo về cuộc sống hậu sự nghiệp thi đấu.
Liu Hai Chao (Lưu Hải Siêu) từng là một tay vợt trẻ giàu triển vọng của cầu lông Trung Quốc. VĐV sinh năm 1998 từng đứng thứ 80 thế giới khi mới 20 tuổi. Dịch COVID-19 đã ngăn chặn đà thăng tiến của Liu Hai Chao, khiến anh phải trở về địa phương là CLB cầu lông Thượng Hải.
Đến với Vietnam International II, Liu Hai Chao cũng giống Furukawa. Anh không có điểm số quốc tế tích lũy trong 1 năm qua và phải hài lòng với việc không có thứ hạng. Nhưng tay vợt Trung Quốc cho thấy đẳng cấp của anh vẫn còn đó, đồng thời bước vào trận chung kết đơn nam.
Chứng kiến Liu Hai Chao thi đấu tại Vietnam International II, người hâm mộ cầu lông mới hiểu thế nào là đẳng cấp vượt trội. Tay vợt này thi đấu từ vòng loại, có lúc chơi 2 trận cùng một ngày. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, bởi anh hiếm khi để đối phương lên tới điểm thứ 15 trong một set đấu.
Những khoảng trống kiến thức
“Khác biệt giữa VĐV Việt Nam và quốc tế có thể thấy rõ tại 2 giải Vietnam International vừa qua. Một trong những điểm căn bản là cách VĐV dùng bộ pháp di chuyển. Các VĐV Việt Nam thường mất khá nhiều sức để chuyển động trên sân cầu. Trong khi đó, VĐV nước ngoài di chuyển thanh thoát, ít tốn sức”, một trọng tài làm nhiệm vụ cho biết.
Furukawa và Liu Hai Chao là những ví dụ rõ nhất cho thấy điểm khác biệt đó. Cả hai không chỉ vượt qua đối phương bằng kinh nghiệm dày dạn. Họ di chuyển nhẹ nhàng trên sân cầu, và đổ rất ít mồ hôi trong mỗi trận đấu. Ngược lại, đối thủ của họ thường tỏ ra xuống sức rõ ràng trong thời gian ngắn, và không thể theo kịp đường cầu.
Hu Ke Yuan và Luo Yi là thử nghiệm mới của đội Thượng Hải (Trung Quốc).
Lý giải về sự khác biệt trong bộ pháp di chuyển của VĐV, một HLV nước ngoài cho biết, họ phải cập nhật và điều chỉnh giáo trình mới cho môn cầu lông thường xuyên. Ngược lại, phần lớn VĐV Việt Nam vẫn áp dụng các bài tập cũ, thu lượm từ chuyên gia nước ngoài đến làm việc từ nhiều năm trước.
Khoảng trống về kiến thức được bồi dưỡng, cập nhật cũng là lý do khiến VĐV cầu lông Việt Nam còn thua kém khá xa các nước trong khu vực. Vì thế, ngay cả một tấm huy chương đồng ở đấu trường SEA Games 33 tại Thái Lan năm tới cũng là điều xa xỉ với cầu lông Việt Nam vào lúc này.